Nhà làm phim tài liệu Phạm Kỳ Nam

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Ngày độc lập 2/9/1945

Thu thập tư liệu

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký hiệp định Paris 1973 về việc chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam, Phạm Kỳ Nam đã có cơ hội được thực hiện bộ phim tài liệu mà ông ấp ủ nhiều năm về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp vào những năm 1920. Năm 1974, đoàn công tác gồm đạo diễn Phạm Kỳ Nam, biên kịch Hồng Hà và nhà quay phim Nguyễn Như Ái được Bộ Văn hóa cử sang các nước Pháp, Anh và Ý để thu thập tài liệu thực hiện bộ phim Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.[89] Tại Paris, đoàn đã đến ngôi nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17 Paris – nơi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc từng sống và hoạt động cách mạng từ năm 1921 đến 1923[90] – để quay chụp và lấy tư liệu. Lúc bấy giờ, ngôi nhà đã có thể sắp bị phá dỡ nên đoàn đã ghi chép rất tỉ mỉ để có thể làm tư liệu cho việc dựng phim truyện sau này. Một địa điểm khác mà đoàn đến quay là ngôi nhà số 3 phố Marché des Patriarches – trụ sở Hội liên hiệp các dân tộc cùng khổ và báo Người cùng khổ.[91]

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc là người Đông Dương duy nhất tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp tại thành phố Tours.[92] Trong chuyến công tác này, đoàn làm phim đã sưu tầm được đoạn phim quay cảnh đoàn đại biểu bước vào phòng họp và khẩu hiệu "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!" phía sau Đoàn Chủ tịch Đại hội. Đây là những thước phim quý bởi lúc bấy giờ, phòng họp của đại hội đã trở thành một vườn hoa. Hơn 30 mét phim đã được đoàn công tác của Phạm Kỳ Nam mua lại với giá không hề rẻ.[91] Trước khi lên đường sang châu Âu, đoàn làm phim đã được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ tìm kiếm thước phim tài liệu quay lại khung cảnh ngày 2 tháng 9 năm 1945 khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Khi đã sắp hoàn thành công việc thu thập tư liệu ở Pháp, một người lạ đã gửi tặng đoàn công tác những thước phim vô cùng quý giá về khung cảnh Quảng trường Ba Đình năm ấy, nhưng trong lúc vội vàng, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã không hỏi rõ nguồn gốc của cuộn phim.[93][94]

Dựng phim

Theo thông tin từ Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Như Vũ – con trai của nhà quay phim Nguyễn Như Ái, đồng thời là nguyên Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Việt Nam, đoàn công tác của đạo diễn Phạm Kỳ Nam còn tìm được 3 thước phim về Đông Dương giai đoạn này nhờ sự hỗ trợ của đạo diễn người Ba Lan Joris Ivens (en). Một trong ba thước phim đã ghi lại khung cảnh Hà Nội vào ngày độc lập, từ hình ảnh người dân cầm biểu ngữ, đoàn xe tiến vào Quảng trường cho đến hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài. Dựa trên những thước phim ít ỏi đó, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và đạo diễn hình ảnh Lê Mạnh Thích đã bắt tay vào trau chuốt lại và dựng nên bộ phim tài liệu Ngày độc lập 2/9/1945. Bên cạnh những thước phim tài liệu tìm được, nhà quay phim Nguyễn Như Ái còn quay bổ sung những địa điểm quan trọng như Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang – nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập,[lower-alpha 3][95] cảnh lá cờ tung bay trong gió được quay trên nóc Sân vận động Hà Nội, cùng nhiều cảnh đẹp trên khắp cả nước.[96]

Bộ phim chỉ dài khoảng 15 phút với những cảnh quay đơn giản, ngôn ngữ hình ảnh chắt lọc, cùng hàng loạt những bài hát quen thuộc đối với quân dân Việt Nam như Du kích ca (Đỗ Nhuận), Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Tiến quân ca (Văn Cao), Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), và kết thúc với lời bình, lời quốc dân tuyên thệ và đặc biệt là giọng đọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xưởng phim Tài liệu Trung ương đã gấp rút sản xuất bộ phim và cho ra mắt khán giả vào đúng dịp lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam năm 1975.[96] Những thước phim đen trắng này thường xuyên xuất hiện trên truyền hình quốc gia vào dịp Quốc khánh Việt Nam.[97][98] Từ đây, Phạm Kỳ Nam trở nên nổi tiếng trong nhân dân với tư cách là đạo diễn, người đã có cho đất nước những thước phim có giá trị nhất về sự ra đời của Việt Nam độc lập.[99][100]

Trong khoảng thời gian này, bộ phim Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về chặng đường hoạt động cách mạng người thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ năm 1917 đến năm 1923 cũng được đưa vào sản xuất và hoàn thiện. Bộ phim cũng được hoàn thành và cho ra mắt khán giả Việt Nam trong tháng 5 năm 1975 để kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, 85 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch và 30 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[89] Cả hai bộ phim Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Ngày độc lập 2/9/1945 đều đánh dấu một bước tiến lớn của điện ảnh Việt Nam trong việc thực hiện và xây dựng phim tài liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các lãnh đạo đương thời. Riêng bộ phim Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sử dụng sáng tạo cấu trúc thủ pháp thể hiện: Quá khứ, hiện tại, thời gian, không gian được đồng hiện, đan xen để thể hiện nhịp điệu, tiết tấu cho tác phẩm.[96] Bộ phim đã mở đầu cho hàng loạt phim tài liệu về những chặng đường hoạt động của Hồ Chủ tịch ở nước ngoài, được tiếp tục thực hiện khi Việt Nam đã thống nhất.[101]

Miền Nam trong trái tim tôi

Từ năm 1960, Phạm Kỳ Nam đã hợp tác cùng đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và nhà quay phim Nguyễn Như Ái để thực hiện bộ phim tài liệu về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó bộ phim đã giành được giải Bông sen vàng nhân kỷ niệm 20 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.[102] Đến những năm đầu thập niên 1970, ở đỉnh cao của Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã chuyển trọng tâm sang mảng phim tài liệu về các sự kiện thời sự. Bộ phim tài liệu Nguyễn Thái Bình của ông được nhắc đến trong Từ điển Điện ảnh bách khoa toàn thư của Liên Xô với tựa đề Việt Nam Nguyễn Thái Bình (Вьетнамец Нгуен Тхай Бинь) cùng với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (Нгуен Аи Куок - Хо Ши Мин) và Miền Nam trong trái tim tôi (Вьетнам в сердце моём).[103]

Cũng trong chuyến đi sang các nước châu Âu, đoàn công tác của Phạm Kỳ Nam đã được một Việt kiều Pháp là họa sĩ Mai Trung Thứ cung cấp những tư liệu về chuyến sang Pháp của Hồ Chủ tịch năm 1946 để đấu tranh trên bàn ngoại giao cho nền độc lập tự chủ của Việt Nam. Trong chuyến thăm Pháp, Hồ Chủ tịch đã có câu nói "Miền Nam trong trái tim tôi". Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã lấy chính câu nói này làm tiêu đề cho bộ phim tài liệu mới.[89] Với bộ phim Miền Nam trong trái tim tôi, đây là lần đầu tiên điện ảnh tài liệu Việt Nam có được một số tư liệu lớn quay hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư liệu quý về ông sưu tầm được ở nước ngoài. Đây cũng là nguồn tài liệu quan trọng để Việt Nam thực hiện những bộ phim tài liệu về vị lãnh tụ này.[104] Tác phẩm này không chỉ giành được Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977, mà còn giúp đạo diễn Phạm Kỳ Nam chiến thắng tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim tài liệu.[105]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phạm Kỳ Nam http://www.imdb.com/name/nm0679627/ http://danviet.vn/hau-truong-giai-tri/bi-an-sau-nh... http://hn.eva.vn/lang-sao/nsnd-tra-giang-cam-phuc-... https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/dao-dien-pham-ky-... https://web.archive.org/web/20220218214920/https:/... https://web.archive.org/web/20201202073938/https:/... https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhung-nghe-si-sa... https://vnexpress.net/chuyen-tinh-buon-thanh-tu-ph... https://thethaovanhoa.vn/70-nam-dien-anh-cach-mang... https://thethaovanhoa.vn/dien-anh-chien-tranh-hop-...